#41 - Form-Context Fit trong việc làm sản phẩm
Khi thiết kế sản phẩm, chúng ta thường bị cuốn vào việc tối ưu giao diện hay tính năng mà quên mất một yếu tố quan trọng: bối cảnh sử dụng. Một giải pháp chỉ thực sự hiệu quả khi nó hoà hợp với nhu cầu, rào cản và tình huống cụ thể của người dùng – hay còn gọi là Form-Context Fit.

Bài viết này mình muốn nói về một số quan điểm mà bản thân thấy vô cùng thú vị, và mình tin rằng sẽ bổ trợ cho tư duy làm sản phẩm của mọi người theo một cách chưa chắc sẽ như thế nào 😂.
Mục lục:
- Christopher Alexander.
- Chất Lượng Không Tên.
- Form-Context Fit.
Christopher Alexander
Trước khi nói về các ý niệm thú vị, mình muốn nói về con người đằng sau những suy nghĩ đó. Nếu bạn đến từ background kỹ sư phần mềm hay khoa học máy tính, có thể bạn nghe danh Christopher Alexander, hoặc ít nhật từng sử dụng một thứ được truyền cảm hứng bởi ông mà không biết.
Christopher Alexander là một nhà kiến trúc sư tài ba lỗi lạc, với những quyển sách như The Timeless Way of Building, A Pattern Language, hoặc The Nature of Order đã định hình tư tưởng cho một thế hệ kiến trúc sư sau này.

Đáng ngạc nhiên hơn nữa, các tác phẩm của ông còn truyền cảm hứng cho một bộ phận kỹ sư phần mềm đã đưa các suy nghĩ của Alexander vào trong khái niệm gọi là Design Patterns được ứng dụng rộng rãi trong công cuộc phát triển phần mềm. Bản thân cũng đã từng là kỹ sư phần mềm trước khi chuyển qua làm quản lý sản phẩm, mình đã có cơ hội nghiền ngẫm và áp dụng Design Patterns vào công việc, mặc đù vào thời điểm đó mình không hề biết đến sự ảnh hưởng của Alexander lên khái niệm này.
Mình hứng thú với các ý niệm của Alexander không chỉ bởi công trình kiến trúc mà ông tạo dựng, hay các ứng dụng về Design Patterns trong phát triển phần mềm, mà còn đến từ mối liên hệ đến việc làm sản phẩm. Một điều chúng ta cần nhớ, mặc dù có thể hiển nhiên, đó là kiến trúc sư không chỉ thiết kế tòa nhà, mà còn là những ngôi nhà, ngôi làng, thị trấn. Đối tượng mà Alexander xây dựng và quan sát không chỉ là công trình mà còn là cách con người sống và sinh hoạt ở trong công trình đó. Sản phẩm cũng là một thứ có mối quan hệ như vậy với con người.
Lúc mình bắt đầu làm sản phẩm, may mắn đã được phụ trách một sản phẩm không chỉ nhiều người sử dụng mà còn sử dụng rất thường xuyên. Hơn 50% người dùng theo khảo sát trên tập 300 người nói rằng họ sử dụng sản phẩm mỗi ngày. Từ trải nghiệm đó, mình thấy được điểm chung giữa việc làm kiến trúc với việc làm sản phẩm, đó là một sản phẩm hoàn toàn có thể là một 'ngôi nhà thứ hai" mà người dùng thường xuyên sống và sinh hoạt mỗi ngày.
Chất Lượng Không Tên
Không thể nhắc đến Alexander mà không nhắc đến khái niệm mà ông gọi là "Chất Lượng Không Tên" (Quality Without A Name). Đây là một khái niệm được khởi xướng trong cuốn sách The Timeless Way of Building của ông - cũng là một tác phẩm nhiều người biết đến nhất.
Có nhiều quan điểm cho rằng không có sự khác biệt khách quan nào giữa một tòa nhà tốt và một tòa nhà xấu. Hay nói cách khác, đó là đẹp hay xấu nằm ở trong đôi mắt của người quan sát. Cái đẹp chỉ có thể là một sự đánh giá chủ quan của một cá nhân với một đối tượng nào đó. Trong góc nhìn đó, thì đánh giá về cái đẹp thể hiện đặc tính của cá nhân hơn là đặc tính của đối tượng.
Nhưng, bất ngờ thay, Alexander lại nói rằng, điều này là không đúng. Có một sự khác biệt khách quan giữa một tòa nhà tốt và một tòa nhà xấu. Đó là sự khác biệt giữa khỏe mạnh và bệnh tật, giữa toàn vẹn và phân mảnh, tự bảo trì hay tự hủy diệt . Trong một tòa nhà hay một ngôi làng thị trấn mạnh khỏe, toàn vẹn và tự bảo trì, sự sống sinh sôi nảy nở. Ngược lại, trong một tòa nhà hay ngồi làng bệnh tật, phân mảnh và tự hủy diệt, con người cũng sẽ khốn khổ.
Chất lượng phân biệt giữa một tòa nhà tốt hay một tòa nhà xấu, đó chính là Chất Lượng Không Tên. Alexander bắt đầu nói về chất lượng này với một ngôi vườn Anh Quốc, nơi mà một cây đào dựa vào thành của một bức tường. Mình sẽ để Alexander miêu tả cảnh quan này:
The first place I think of, when I try to tell someone about this quality, is a corner of an English country garden, where a peach tree grows against a wall.
The wall runs east to west; the peach tree grows flat against its southern side. The sun shines on the tree and as it warms the bricks behind the tree, the warm bricks themselves warm the peaches on the tree. It has a slightly dozy quality.
The tree, carefully tied to grow flat against the wall; warming the bricks; the peaches growing in the sun; the wild grass growing around the roots of the tree, in the angle where the earth and roots and wall all meet.
Không chỉ dừng lại với việc có tồn tại một tính chất phân định giữa tốt và xấu, Alexander còn nói rằng mỗi người trong chúng ta đều biết Chất Lượng Không Tên này. Đó là một cảm giác mang tính nguyên thủy nhất mà con người có dành cho sự sống và sức khỏe của chính bản thân họ.
Chất Lượng Không Tên này tồn tại trong thế giới ở nhiều hình thái khác nhau, nhưng đều kích hoạt cảm quan nhận về cái tốt hay cái xấu ở trong mỗi người chúng ta. Lý do nói rằng nó không thể được gọi tên, là vì chất lượng này chuẩn xác, sắc nét và bao hàm hơn bất kỳ ngôn từ nào, nên từ ngữ không thể diễn tả được đúng bản chất của nó. Do vậy, Alexander đành gọi nó là Chất Lượng Không Tên. Đôi khi ông cũng gọi tính chất này bằng cái tên khác, đó là "tính sống" (alive).
Mình thấy rằng ý niệm này rất thú vị, vì nó có phần đi ngược lại chủ nghĩa hậu hiện đại (post-modernism) mà trong đó vẻ đẹp là chủ quan, nhưng chắc đó là một bài viết khác.

Quay trở lại mạch bài viết, vậy thì Chất Lượng Không Tên từ đâu mà ra? Đây chính là điểm mà mối liên hệ giữa các ý niệm của Alexander với việc làm sản phẩm bắt đầu trở nên cụ thể hơn.
Form-Context Fit
Christopher Alexander, trong cuốn Notes on the Synthesis of Form, đã giới thiệu khái niệm sự phù hợp giữa hình thức và bối cảnh (Form-Context Fit) như một nguyên tắc cốt lõi trong thiết kế. Theo ông, bất kỳ thiết kế nào cũng là một hình thức (form) đối với một tập hợp các vấn đề hoặc nhu cầu cụ thể (context).
- Bối cảnh (Context) là tất cả những yếu tố xung quanh một vấn đề: nhu cầu của người dùng, những hạn chế về kỹ thuật, điều kiện môi trường, hành vi xã hội và cả mong đợi vô hình của con người.
- Hình thức (Form) là giải pháp được tạo ra để đáp ứng những yếu tố đó: một tòa nhà, một ngôi lạng, một sản phẩm, một công cụ, một hệ thống hay một giao diện.
- Alexander ví việc thiết kế như quá trình làm Form-Context Fit thông quá việc loại bỏ những bất đối xứng giữa hình thức và bối cảnh. Khi hình thức được tinh chỉnh đến mức loại bỏ hoàn toàn những "lỗi không phù hợp" (mismatch) với bối cảnh, nó trở nên tự nhiên, đúng đắn, không thể thay thế. Đây là lúc Chất Lượng Không Tên xuất hiện – một cảm giác rằng thiết kế đó “đúng” mà không cần phải lý giải nhiều.
Alexander lấy ví dụ về một chiếc ấm trà được thiết kế để cầm vừa tay, rót nước dễ dàng mà không bị tràn, giữ nhiệt tốt, và hài hòa với không gian phòng trà. Khi từng chi tiết – từ tay cầm, vòi rót, đến độ cong của ấm – đều được tinh chỉnh để phù hợp với thói quen và nhu cầu của người dùng, chiếc ấm ấy không chỉ “hoạt động tốt” mà còn mang lại cảm giác dễ chịu, gần gũi một cách tự nhiên.

Trong cuộc sống, bạn đã bao giờ bắt gặp một sản phẩm hay một thiết kế nào đó khiến mình thốt lên: “Đúng là cái mình cần!” chưa? Đó chính là cảm giác khi hình thức (cách một sản phẩm được thiết kế, vận hành) hoàn toàn phù hợp với bối cảnh (nhu cầu, môi trường, tình huống mà người dùng đang gặp phải). Đây gọi là cái Alexander gọi là Form-Context Fit. Nghe giống Product-Market Fit phải không? Minh nghĩ đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên thú vị khi cụm từ Alexander sử dụng để miêu tả một khái niệm trong việc làm kiến trúc lại liên quan đến một cụm từ rất thường được sử dụng khi làm sản phẩm 🤯.
Một ví dụ cụ thể về Form-Context Fit: mẹ mình hay thích đi các tour du lịch chùa chiềng ở các tỉnh ngoài Sài Gòn, và giờ xuất phát của các chuyến này thường rất sớm – tầm 4 hoặc 5 giờ sáng. Mình hay đặt báo thức vào lúc 3 giờ 45 sáng để đặt xe cho mẹ đi đến chỗ khởi hành. Các bạn có thể tưởng tượng trong trạng thái vừa bị đánh thức và còn mơ màng, mình phải thực hiện thao tác đặt xe công nghệ trên điện thoại. Trong bối cảnh đó, mình muốn tài xế gọi điện trực tiếp cho mẹ mình khi đến nơi, chứ không phải gọi cho mình, vì đặt xong là mình sẽ ngủ lại ngay và không muốn bị làm phiền.
Đây là lúc mà mình thấy thiết kế giữa Grab và Be có sự khác biệt về Form-Context Fit. Khi bạn đặt xe ở Be, và đặt điểm đón ở một vị trí cách khá xa vị trí hiện tại, thì Be sẽ tự hiểu rằng bạn có thể đang muốn đặt xe cho người khác, và hiển thị phương án này một cách rất trực quan. Khi bạn đặt xe cho người khác, thì tài xế sẽ liên hệ với họ thay vì với mình. Ở Grab, thì phương án này được hiển thị một cách tương đối tinh tế ở góc phải màn hình. Tuy nhiên, trong trạng thái lơ tơ mơ của mình trong bối cảnh đó thì khó mà tận hưởng được sự tinh tế đó. Chính vì vậy, mình thường dùng Be để đặt xe cho mẹ đi chùa vào sáng sớm, mặc dù đôi khi Grab giá rẻ hơn.
Để có thể miêu tả được Context độc lập với hình thái sản phẩm, mình đang dùng cấu trúc của Job Story - một artifact mà tụi mình dạy trong lớp học Breaking into PM.
When I just woke up from my sleep, but I have to book a car for another person immediately,
I want the driver to contact that person instead of me
So that I can go back to sleep undisturbed

Với bối cảnh của mình, thì thiết kế của Be có Form-Context Fit tốt hơn thiết kế của Grab.
Áp dụng Form-Context Fit vào làm sản phẩm
Khi một sản phẩm có Form-Context Fit tốt, tức là hình thái sản phẩm đó có độ phù hợp cao với nhiều bối cảnh liên đới khác nhau. Nói cách khác, các hoạt động mà trong các điều kiện khác nhau đều có thể được thực hiện dễ dàng thông qua việc sử dụng sản phẩm đó.
Việc gì xảy ra nếu chúng ta không có đủ bối cảnh của người dùng? Theo một lẽ tự nhiên, chúng ta sẽ tập trung vào hình thái sản phẩm. Đây là một sai lầm mà mình quan sát nhiều bạn làm sản phẩm, từ PM đến PD, hay gặp phải: các bạn đưa sự chú tâm vào hình thái sản phẩm - hay rộng hơn là không gian giải pháp, trước khi khai phá được đủ bối cảnh của không gian vấn đề.
Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta đã khai phá được bối cảnh người dùng, thì đôi khi việc thiết kế sản phẩm có Form-Context Fit vẫn khó vì chúng ta không làm rõ ra mối quan hệ giữa một hình thái sản phẩm và các bối cảnh cụ thể xung quanh.
Chuyện là gần đây mình đang code một sản phẩm nho nhỏ cho lớp học của tụi mình. Không phải là một cái gì đó quá to lớn đâu, mà mình chỉ đang hướng đến việc giúp học viên làm một bài tập nhỏ trong khóa học, đó là nghiên cứu người dùng. Cụ thể hơn nữa, mình đang tập trung vào công đoạn chuẩn bị research goal, research questions và interview questions để có thể bắt đầu đi phỏng vấn người dùng lấy insights.
Khi làm prototype như vậy thì chính mình cũng mắc vào cái bẫy hình thái, mặc dù trong đầu mình đã có rất nhiều bối cảnh về cách mà hăng trăm các bạn học viên làm bài tập này hơn 7 khóa học.
Bản prototype đầu tiên của mình chỉ đơn giản là một giao diện cho người ta tạo được research questions và các interview questions liên quan.

Sau khi chiêm nghiệm về Form-Context Fit, mình quyết định cụ thể hóa ra những yếu tố về bối cảnh, để đánh giá xem hình thái này có đang giải quyết tốt không. Các bạn có thể hình dung những chi tiết về bối cảnh như những hoạt động, lo lắng, thử thách của học viên khi làm bài tập này. Xác định được bối cảnh này là điều kiện tiên quyết, và trong nhiều trường hợp cũng là điều kiện khó đạt được nhất, nếu bạn không thật sự tiếp xúc với người dùng và có một chân dung sâu sắc về họ.

Giờ đây mình đã có một bức tranh về những bối cảnh cụ thể, từ đó mình phác thảo ra một hình thái khác của sản phẩm. Hình thái này sẽ theo dạng giống như sơ đồ tư duy, với một số nhánh có sẵn placeholders là những tips/tricks khi đặt câu hỏi. Research Goals bây giờ được đưa vào trọng tâm của sản phẩm, research questions được rẽ ra từ đó, và interview questions sẽ theo sau.
Ngoài ra, còn có một hình minh họa nằm ở phần dưới của giao diện miêu tả một loại hành trình của người dùng, từ lúc có một yếu tố gì đó kích hoạt họ thay đổi hành vi, cho đến khi họ vượt qua những thử thách và cuối cùng có đạt được mục tiêu của mình hay không. Một chi tiết nhỏ thôi, nhưng sơ đồ này rất hữu ích để giữ các câu hỏi luôn để người dùng ở trọng tâm. Vì một trong những khó khăn lớn nhất khi đặt ra câu hỏi nghiên cứu chính là kết nối nó đến những thứ chúng ta muốn biết về người dùng.

Sau khi đưa hình ở trên cũng như vài đường múa quyền prompting với Windsurf 🤣, mình phát hiện ra rằng làm dạng sơ đồ tư duy trên một cái Canvas Layout tốn khá là nhiều não để implement. Nhưng mình cũng đã ra được một bản prototype mà mình thấy rằng vẫn có được Form-Context Fit cao hơn so với bản đầu tiên.
Trong bản prototype này, research goal vẫn là trọng tâm, từng research question được rẽ nhánh từ goal xuống, và mỗi interview question rẽ được rẽ từ một research question. Mình đã thêm một vài placeholders cho cả research & interview questions, để nhắc nhở các bạn học viên về những khía cạnh các bạn nên suy nghĩ về khi frame câu hỏi. Ngoài ra ở góc phải còn có một hình minh họa về hành trình người dùng như mình đã nói ở trên. Mình cảm thấy giao diện này khá là tinh gọn và giải quyết được nhiều chi tiết bối cảnh mà mình quan sát được. Đương nhiên, ở góc độ UI/UX mà nói, còn nhiều thứ có thể cải thiện, nhưng nếu chỉ so về độ Form-Context Fit với bản đầu tiên, mình nghĩ đây là một sự tiến bộ. 😓

Đây chính là một ứng dụng của ý niệm của Alexander vừa giới thiệu, mà gần đây mình chiêm nghiệm cũng như thử nghiệm.
1. Xác định được các chi tiết bối cảnh của người dùng: họ muốn gì, cần gì, bị cản trở gì, yếu tố hoàn cảnh như thế nào.
2. Ghi những chi tiết bối cảnh đó lên một bảng trắng (như Excalidraw hay bất kì một whiteboard tool nào). Sắp xếp chúng thành một vòng tròn
3. Ở giữa vòng tròn, đặt một màn hình sản phẩm của bạn vào đó.
4. Đi qua từng chi tiết bối cảnh, và đánh dấu ✅ nếu hình thái của bạn giải quyết được chi tiết đó, còn không thì đánh ❌
5. Nghĩ ra những hình thái giải pháp khác có thể giải quyết được nhiều chi tiết bối cảnh hơn.
Kết luận
Việc đạt được Form-Context Fit tốt hơn không chỉ giúp cải thiện sản phẩm mà còn mở ra một tư duy thiết kế linh hoạt, nơi giải pháp không tồn tại độc lập mà luôn gắn kết chặt chẽ với bối cảnh thực tế của người dùng. Chất Lượng Không Tên là một khái niệm (đối với mình) khi nghĩ về sản phẩm, vì nó sẽ giúp chúng ta thoát ra khỏi tâm lý tập trung quá nhiều vào sản phẩm, mà hướng sự chú tâm vào cách mà sản phẩm hòa hợp với đời sống của người dùng, để bức tranh có người dùng và sản phẩm của chúng ta sẽ trở nên có sự sống và đẹp hơn.
Hãy thử áp dụng phương pháp này vào sản phẩm hoặc dự án bạn đang làm. Nếu bạn có bất kỳ insights nào thú vị, đừng ngại chia sẻ trong phần bình luận nhé! 👇