#45 - Làm thế nào để xây dựng Community bền vững?
Từ những buổi Office Hour ban đầu đến việc triển khai chính sách Case Study, bài viết này kể lại cách tụi mình định hình BPM Community - một cộng đồng tập trung nuôi dưỡng sự kết nối và học hỏi giữa những người làm sản phẩm.

Chào mọi người 👋 Hy vọng mọi người bắt đầu tuần mới tràn đầy năng lượng.
Trong bài viết này, mình muốn kể về BPM Community, những trăn trở và đắn đo mà trước đó tụi mình có cân nhắc suy nghĩ tới từ trước đó, để rồi trong một quý vừa qua tụi mình có một vài kết quả tích cực. Nếu bạn đang xây dựng cộng đồng, hoặc chỉ đơn giản muốn biết thêm một câu chuyện làm sản phẩm trong thực tế, thì mình hy vọng bài viết này sẽ thú vị!
Bạn đang đọc một bài trong chuỗi bài viết "Làm sản phẩm bằng khóa học dạy làm sản phẩm" ghi chú lại hành trình tụi mình làm BPM nhằm cung cấp một số insights khi làm sản phẩm thực tế. Các bạn có thể đọc thêm các bài viết khác ở đây👇:
Series "Làm sản phẩm bằng khóa học dạy làm sản phẩm"
- #13 - Làm sản phẩm bằng khóa học dạy làm sản phẩm (phần 1). Bài viết này kể sơ lược về đối tượng người dùng ban đầu tụi mình khai phá, cách tụi mình đánh giá vấn đề cũng như khía cạnh kinh doanh.
- #19 - Làm sản phẩm bằng khóa học dạy làm sản phẩm (phần 2): 0-1. Bài viết này kể về hành trình từ lúc trước khi mình làm BPM cho đến khi chạy xong những khóa đầu tiên với thành công nhất định. Mình cũng viết về những giả thuyết, rủi ro cũng như cách tụi mình de-risk chúng.
- #31 - Làm sản phẩm bằng khóa học dạy làm sản phẩm (phần 3): Tìm kiếm điểm sáng. Bài viết này nói về cách tụi mình tìm ra những điểm đòn bẫy để tăng chất lượng làm bài của học viên trong dự án cuối khóa của BPM bằng việc quan sát các điểm sáng và tìm cách nhân rộng chúng lên.
- #33 - Làm sản phẩm bằng khóa học dạy làm sản phẩm (phần 4): đôi khi quyết định hay nhất là quyết định không làm. Bài viết này nói về cách mà tụi mình đã "xém" scale BPM từ mô hình cohort-based lên mô hình self-paced, nhưng cuối cùng đã quyết định không làm như vậy.
- #36 - Làm sản phẩm bằng khóa học dạy làm sản phẩm (phần 5): một kèo B2B training deal khó nhằn. Bài viết này nói về một cơ hội làm B2B training mà tụi mình bắt gặp, nhưng cuối cùng đã không chốt được deal. Câu chuyện này
- #45 - Làm sản phẩm bằng khóa học dạy làm sản phẩm (phần 6): community bet 👈 bạn đang đọc bài này. Bài viết này nói về cách tụi mình vận hành community, và một canh bạc mà tụi mình đang trộm vía là thấy có kết quả tích cực.
Tuy tiêu đề của bài viết này có đề cập đến "khóa học", cũng như nằm trong chuỗi bài viết có "khóa học" ở trong tiêu đề, nhưng Community của tụi mình có thể xem là một offering đứng riêng với khóa học.
Giới thiệu tổng quan về Community
Để hiểu được những yếu tố mà tụi mình đã phải cân nhắc, chúng ta cần nắm sơ lược ngữ cảnh về Community và những cơ chế hoạt động hiện tại của nó.
Community vs Khóa Học
Chắc hẳn nhiều bạn độc giả đã biết đến khóa học Breaking into Product Management của tụi mình. Nhưng có thể bạn không biết rằng, ngoài việc cung cấp khóa học, tụi mình còn xây dựng một cộng đồng cho những người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc làm sản phẩm.
Đối tượng phục vụ và nhu cầu giữa khóa học cộng đồng cũng tương đối khác nhau:
- BPM Starter dành cho những bạn có nhu cầu học mới hoặc ôn lại nền tảng kiến thức về Product Management, với mục tiêu hoặc apply job Product đầu tiên, hoặc để học cách làm việc với PM hiệu quả hơn, hoặc tìm kiếm thêm bằng chứng đê xem xét ngành Product có phù hợp với bản thân hay không, hoặc để phát triển thêm về kĩ năng làm sản phẩm trong công việc hiện tại (không phải PM). Đây chính là khóa học mang lại nguồn doanh thu chính cho tụi mình.
- BPM Community dành cho những bạn có từ 3-5 năm kinh nghiệm trong việc làm sản phẩm, với nhu cầu kết nối, trao đổi, học hỏi cũng như được truyền cảm hứng từ những người đồng hành phát triển trên con đường làm sản phẩm của mình. Đây là một offering không mang lại quá nhiều tiền, nhưng mang lại giá trị cho tụi mình không hề thua kém gì gói BPM Starter. Bạn có thể đọc rõ hơn về lý do mà tụi mình tạo ra offering Community ở đây.
Community của tụi mình bắt đầu chính thức nhận những thành viên đầu tiên (ngoài founding team) từ hồi tháng 4 năm 2024, đến giờ đã tròn một năm. Trong khoảng thời gian một năm đó, tụi mình đã grow lên gần ~30 thành viên, với tầm 10 thành viên hoạt động thường xuyên hằng tuần. Các thành viên khác tham gia với tuần suất ít đều đặn hơn.
Từ tháng 4 năm 2024 đến tận tháng 10 2024, mô hình hoạt động của tụi mình khá đơn giản. Có hai hoạt động chính mà tụi mình nghĩ tạo ra nhiều giá trị cho mọi người (ngoài việc tham gia trao đổi trên Discord ra).
Cơ chế hoạt động của Community: Office Hours
Các thành viên trong Community sẽ tham dự một buổi Office Hour kéo dài tầm một tiếng rưỡi đến hai tiếng, tổ chức mỗi hai tuần một lần. Trong buổi Office Hour đó, mọi người sẽ trao đổi về những chủ đề trong quản lý sản phẩm.
Ban đầu tụi mình đề xuất ý tưởng Office Hour là để cho gói Community có nhiều giá trị hơn so với việc chỉ có Recordings của khóa Starter và hỗ trợ online (những thứ có trong phiên bản đầu tiên của Community). Khởi nguồn của Office Hour đến từ một suy nghĩ đơn giản là: "Chắc các bạn cũng muốn giao lưu với mentors tụi mình!" Cách tụi mình đặt tên cho những buổi trao đổi này cũng thể hiện quan điểm lúc đó. Trong ngữ cảnh giáo dục, Office Hours là những buổi do giáo viên tổ chức nhằm tạo không gian giải đáp thắc mắc cho các bạn học viên. Cụm từ "Office Hours" ám chỉ một mối quan hệ mà trong đó có một bên biết nhiều hơn bên kia.
Điều này đúng trong giai đoạn đầu khi mọi người còn hơi e dè ái ngại với nhau. Vì vậy, trong những buổi đầu thì tụi mình phải chủ động chuẩn bị khá nhiều về mặt nội dung trình bày cũng như cố gắng điều phối mọi người trao đổi. Nhưng càng về sau, khi các thành viên càng thoải mái và thân thuộc với nhau, các cuộc bàn luận trở nên đa chiều và tuôn chảy giữa mọi người một cách tự nhiên hơn. Mặc dù bây giờ bản chất của những buổi đó không còn là "Office Hours" nữa, nhưng tụi mình vẫn giữ cái tên đó vì mọi người dường như cũng quen rồi.

Cơ chế hoạt động của Community: Guest Lectures
Các thành viên trong Community sẽ tham dự những buổi Guest Lectures mà tụi mình tổ chức cho lớp học Starter. Nếu các các bạn có theo dõi trên kênh Youtube BoringPpl của Dương, chắc hẳn cũng có thấy qua những chiếc video tụi mình mời những người làm sản phẩm và startups về chia sẻ. Những buổi này tụi mình gọi là Guest Lectures, bởi vì nó nằm trong khuôn khổ của khóa học Starter, nhưng tụi mình cũng mở ra để các thành Viên Community cũng có thể tham dự.
Thú thật thì một điều khó khăn của Guest Lectures đó là tụi mình phải cân bằng giữa việc diễn giả truyền đạt kinh nghiệm thực tế khi làm sản phẩm với việc làm cho những kiến thức đó liên hệ và hiểu được với những bạn mới tiếp cận ngành này. Có một sự có một số tập mà tụi mình nhận được phản hồi tích cực từ cả các bạn học viên Starter cũng như thành viên Community, tiêu biểu như bài chia sẻ của anh Phát - cựu Product Lead ở Tiki, hiện tại là Head of Product của Zalo Platform. Một số buổi chia sẻ khác, như các vấn đề khi chuyển qua làm sản phẩm và thực tế khác kỳ vọng như thế nào do Vũ - cựu PM ở Ansarada, hiện tại là Product Manager ở SAP) chia sẻ có vẻ resonate nhiều hơn với các bạn Starter.
Tuy nhiên, cách mà mình tiếp cận khách mời cho những buổi chia sẻ này đó là chỉ tìm những người có kinh nghiệm thực chiến, nên nhìn chung nó vẫn tạo giá trị cho Community nhiều.

Những hoạt động trên, kèm với việc mọi người trao đổi khá thường xuyên trên Discord về rất nhiều chủ đề, từ những vấn đề trong công việc cho đến những vấn đề cá nhân, đã tạo nên một hiệu ứng khá thú vị: những thành viên trong Community không chỉ là khách hàng, mà gần như dã trở thành những người bạn đồng hành cùng tụi mình trên con đường phát triển sản phẩm.
Cơ chế trao đổi giá trị cũ: tập trung vào monetization?
Khi đã có một vài thành viên cộm cán tham gia và hoạt động bên trong Community, tụi mình bèn suy nghĩ đến việc làm sao để có thể monetize offering này.
Kiếm tiền từ mô hình Subscription
Ở thời điểm mới hình thành, Community được bán theo dạng Subscription cho mỗi ba tháng. Tức là các thành viên trả tiền để được access Discord và các hoạt động trên trong vòng ba tháng .... ít nhất lý thuyết là thế.
Nhưng trong thực tế, chính vì hiệu ứng đã nói như trên, nên bản thân tụi mình cảm thấy khá ngần ngại khi nghĩ đến chuyện đi "đòi tiền" mọi người. Có một điểm khác biệt giữa cộng đồng của tụi mình và chuyện làm một sản phẩm phần mềm, đó là cơ chế trao đổi giá trị của một cộng đồng không hoàn toàn nằm trong tay của đội ngũ sáng lập, mà nó được phân bổ ở khắp các thành viên hoạt động năng nổ nhất.
Chính các thành viên này, cùng với góc nhìn, kinh nghiệm cũng như thái độ của họ đã góp phần làm cho những tương tác trong cộng đồng sôi nổi và giá trị hơn. Tụi mình vẫn cống hiến vào các cuộc bàn luận đó, nhưng bản thân tụi mình cũng học hỏi cũng như được truyền cảm hứng nhiều từ mọi người. Chính vì lẽ đó, tụi mình không tự tin khi định giá và charge tiền khi mà chính mọi người cũng đã tạo ra giá trị cho tụi mình từ chính việc hoạt động trao đổi rồi.

Kết cục là tụi mình đã hoàn toàn "thả trôi" chuyện renew hay kiếm tiền từ Community trong 9 tháng đầu tiên. Trong ba quý cuối cùng của năm 2024, tụi mình hoàn toàn không yêu cầu các bạn Community trả tiền để được tiếp tục, cũng như vẫn duy trì các hoạt động Office Hours và Guest Lectures như trên. Việc tụi mình ngại đề cập chuyện tiền bạc thật ra là chỉ dấu cho việc tụi mình cảm thấy cơ chế trao đổi giá trị giữa hai bên ở đây không chỉ là tiền trao cháo múc, mà nó còn là về mặt truyền lửa động lực và cảm giác thuộc về tập thể (social belonging).
Kiếm tiền theo từng Use Case
Sau một thời gian vận hành cộng đồng, tụi mình quyết định nhìn lại và đào sâu hơn nữa để hiểu thật rõ về các nhu cầu thực sự mà các thành viên BPM Community đang tìm kiếm. Thay vì đi theo mô hình charge subscription cho một Community giải quyết toàn bộ Use Cases, chúng ta bẻ nhỏ ra và tìm xem ở từng Use Case có các mô hình kinh doanh nào phù hợp.
Lúc đó tụi mình chỉ tầm 20 thành viên, nên chủ yếu dựa vào việc tụi mình biết rõ từng người như thế nào, tần suất hoạt động của họ cũng như những nội dung họ hay bàn luận, để từ đó xác định được bốn nhu cầu nổi bật. Từ những thông tin đó, tụi mình nhìn theo hai khía cạnh: khả năng chịu chi và độ quan trọng của từng Use Case.

Chat and stay connected to other Product professionals. Có một nhóm thành viên thường xuyên sử dụng Discord mỗi ngày với nhu cầu chủ yếu là chat, trao đổi và giữ kết nối với những làm sản phẩm khác. Những thành viên này đều xem Discord như một nơi để giữ cảm giác thuộc về, nơi họ có thể thoải mái trao đổi những câu chuyện đời thường hoặc các chủ đề ngẫu nhiên.
Dù việc này diễn ra rất thường xuyên nhưng tụi mình đánh giá đây là dạng nhu cầu cơ bản (table stakes) của bất kỳ cộng đồng nào, và khả năng monetize từ use case này không cao, vì thực chất có rất nhiều lựa chọn thay thế miễn phí trên thị trường như Slack hay các group Facebook. Thậm chí, mọi người có thể nhắn tin riêng cho nhau một khi đã biết đến danh tính của nhau trên mạng.
Learn and share practical knowledge with other Product professionals. Thứ hai, một nhóm thành viên khác tham gia các hoạt động như Office Hour một cách thường xuyên, với mong muốn được học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm thực chiến từ những PM khác. Những buổi Office Hour này trở thành cơ hội để các thành viên chia sẻ những khó khăn và bài học thực tế mà họ đang gặp phải trong công việc và tìm kiếm những góc nhìn đa dạng từ những người có kinh nghiệm.
Tụi mình nhận thấy việc tổ chức các buổi như thế này khá giá trị. Tuy nhiên, cảm quan về sự sẵn sàng chi trả lại không rõ ràng lắm. Đây là dạng use case nằm ở giữa: không phải thiết yếu đến mức bắt buộc phải trả tiền, nhưng vẫn đủ hấp dẫn để một số thành viên cân nhắc trả một khoản phí nhỏ để tham gia nếu tụi mình quyết định thu phí.
Với Use Case này, tụi mình đã nghĩ đến mô hình charge theo số lượng Office Hour. Các thành viên có thể trả tiền để mua một số lượng Office Hour cố định, bất kể họ mua vào thời điểm này. Thí dụ, nếu bạn mua 6 buổi Office Hour vào tháng 1 năm 2025, thì bạn sẽ có quyền tham dự 6 buổi Office Hour bất kỳ cho đến khi hết số quota.
Tuy nhiên, nội dung của các buổi Office Hour thường không được hoạch định trước, nên khó để xác định được giá trị thông qua số lượng buổi mà một người tham dự. Đôi khi, có những buổi nói về những chủ đề liên quan đến Logistics hay Banking mà những bạn làm sản phẩm trong lĩnh vực đó sẽ rất "phiêu', nhưng không phải buổi nào cũng như vậy.
Learn specific knowledge to overcome specific challenges. Use case thứ ba tập trung vào những tình huống cụ thể, nơi các thành viên cần những kiến thức đặc biệt hoặc giải pháp chuyên sâu cho các vấn đề cá nhân họ đang gặp phải. Ví dụ như có một anh trong Community hỏi vê chiến lược Go-To-Market cho sản phẩm của anh, hay một chị trong Community đang cần tư vấn về việc tìm kiếm và làm việc với khách hàng đầu tiên cho Startup B2B của chị ấy.
Đây là dạng nhu cầu rất đặc thù, không phải ai cũng cần, nhưng ai đã cần thì lại cảm quan của tụi mình về việc sẵn sàng trả tiền có vẻ cụ thể hơn. Tụi mình hoàn toàn có thể nghĩ đến các gói tư vấn ngắn hạn, hay các buổi consulting riêng biệt dành cho dạng use case này.
Tuy nhiên, effort để consult là không hề nhẹ nhàng, và bản thân mình rất không thích những người nói nhiều hơn làm, nên để thật sự consult hay advise cho những Startups như vậy, cần rất nhiều sự đầu tư về thời gian và trí lực. Đây là một mô hình khác hoàn toàn so với những thứ chúng mình đang có (Community & Starter), và ít nhất trong hiện tại đó không phải định hướng của team.
Learn the fundamentals of Product Management. Cuối cùng, có một nhóm các thành viên định kỳ vài tháng một lần quay trở lại với các nội dung căn bản của khóa học Starter nhằm củng cố lại kiến thức nền tảng về Product Management.
Đây là một nhu cầu đã được chứng minh là có khả năng kiếm tiền thực tế vì đã có nhiều bạn trả tiền để access Starter Recording và sau đó mới biết đến các hoạt động Community khác. Đây là một nhu cầu đã được chứng minh là có khả năng kiếm tiền vì một số thành viên đã từng trả tiền cho Starter Recording và sau đó mới biết đến cộng đồng. Trong thực tế, thì đây chính là gói Starter của tụi mình luôn, thế nên cũng không phải một mô hình gì mới cho Community cả.
Dù đã cân nhắc nhiều phương án monetize, tụi mình vẫn chưa đến được một quyết định cụ thể, bởi vì chưa trả lời được câu hỏi: End Game của Community chúng mình muốn hướng đến là gì?
Reframing: End Game của Community là gì?
Không phải là tiền
Liệu cái tụi mình có phải là kiếm tiền từ Community không? Không hẳn. Như mình có nói ở trên, dường như Community đã hình thành nên linh hồn riêng của nó, và tụi mình cũng đang nhận lại được giá trị từ chính việc tham gia kết nối chia sẻ với mọi người. Dần mình coi mọi người như những người bạn, và còn đi cà phê và đi offline nhiều lần nữa.
Hãy tưởng tượng bạn có một người bạn cùng thích làm sản phẩm, và hai người cũng thích trao đổi với nhau, thì bạn có thoải mái khi charge tiền người bạn đó cho những buổi trò chuyện đó hay không? Tụi mình thì không cảm thấy nó công bằng và hợp lý với các thành viên. Hơn nữa, doanh thu chính của tụi mình đến từ BPM Starter đã khá thỏa mãn nhu cầu team rồi, và tụi mình cũng không cần cố đâm ăn xôi sống chết kiếm thêm tiền.
End Game thật ra là ....
Sau một thời gian suy nghĩ, thì End Game của mình cho Community hiện tại nó đang như thế này (dùng chữ "hiện tại" vì mình không chắc tương lai có khác không):
BPM Community giúp các thành viên kết nối, học hỏi và truyền cảm hứng cho nhau thông qua việc (2) mỗi người (3) chia sẻ những câu chuyện làm sản phẩm của mình trong thực tế.
End Game này xuất phát từ chính DNA của tụi mình:
- (1) Tụi mình rất thích kết nối và giao lưu với những bạn thích làm sản phẩm, có chuyên môn và có mong muốn mạnh mẽ tiếp tục phát triển khả năng làm sản phẩm. Tụi mình cũng là những con người như vậy, và đó là những đối tượng tụi mình muốn thu hút. Đối với những bạn mới bắt đầu sự nghiệp hoặc còn đang trăn trở xem mình nên làm job gì, thì BPM Community không phù hợp vì nó được sinh ra dành cho những người đã xác định việc làm sản phẩm chính là thứ mà mình muốn tập trung.
- (2) Tụi mình không chỉ muốn một nơi mà tụi mình phải "đứng lớp", vì nếu vậy không khác gì dạy học lớp Starter cả. Tụi mình muốn tạo nên một nơi mà mọi người đều cống hiến vào sự phồn thịnh của cộng đồng, và trong quá trình đó cũng nhận được những giá trị cho mình.
- (3) Là một người dạy học, tụi mình không thể phủ nhận giá trị của Frameworks được. Nhưng trải nghiệm của cả ba đứa mình đều cho thấy thực tế tồn tại rất nhiều sự bất định mà không có một Frameworks nào bao hàm được hết. Vì vậy, tụi mình rất thích nghe những câu chuyện về quá trình đắn đo, suy nghĩ, các ràng buộc trong thực tế, cũng như mọi người đã đưa ra quyết định như thế nào và kết quả ra sao.
Với End Game đó, thì các hoạt động Community như hiện tại là chưa đủ.
Vấn đề với cơ chế vận hành hiện tại của Community
Vào thời điểm đó, những buổi Office Hour giống như mình chia sẻ xảy ra đều đặn nhưng nhịp điệu về nội dung thì khó nắm bắt. Có thể buổi này sẽ bàn về một chủ đề rất cuốn với tập thành viên này, nhưng buổi khác sẽ bàn về những vấn đề phù hợp với ngữ cảnh của một số bạn khác. Nhưng việc lắng nghe những chia sẻ của PMs làm ở domain khác vẫn có giá trị để mở rộng góc nhìn. Về khía cạnh này, thì Office Hour đang đúng tinh thần của End Game tụi mình hướng tới.
Tuy nhiên, những buổi Office Hour thường khá freestyle, ít có sự chuẩn bị trước mà đa số là do mỗi thành viên ứng biến nói ra suy nghĩ vào ngay thời điểm đó. Điều này cản trở việc học hỏi lẫn nhau: người muốn chia sẻ đôi khi thiếu sự chuẩn bị để nói ra suy nghĩ kinh nghiệm của mình theo một cách tối ưu nhất, và người muốn học hỏi dễ cảm thấy bị mất context và không thẩm thấu được nội dung người kia nói, dù đôi khi nó chứa những insights mà mình thấy khá hay.
Với Guest Lectures, thì nó không phải dành riêng cho Community, mà chỉ là một phúc lợi nhỏ cho các thành viên. Sẵn tiện tụi mình tổ chức Guest Lectures cho mỗi batch của BPM Starter rồi, thì việc mời thêm các bạn Community cũng không tốn thêm efforts gì cả. Nhưng quan trọng hơn nữa, Guest Lectures không phải là nơi để mọi người trong Community chia sẻ với nhau, mà là nơi mọi người nghe chuyên gia bên ngoài chia sẻ. Hoạt động này có giá trị, nhưng nó không giúp cho tụi mình tiến gần hơn với End Game đã chọn.
Nói cách khác, tụi mình cảm thấy thiếu cơ chế để Community có thể tiến tới End Game mà tụi mình mong muốn. Cơ chế đó chính là việc làm Case Study. Đây chính là cơ chế mà tụi mình nghĩ sẽ giúp cho (1) những người có chuyên môn làm sản phẩm và động lực cao (2) thay phiên nhau (3) chia sẻ những kinh nghiệm thực tế khi làm sản phẩm.
Việc viết Case Study sẽ cho phép người muốn chia sẻ có nhiều không gian hơn để chuẩn bị cũng như tìm cách truyền đạt thông tin tốt hơn, dẫn đến việc người tiếp nhận cũng sẽ dễ dàng thẩm thấu và học hỏi kinh nghiệm từ người nói tốt hơn. Hơn nữa, chính sách viết Case Study giống như một ràng buộc để mọi người cố gắng cấu trúc và cô đọng những nỗ lực của mình trong một khoảng thời gian, từ đó giúp cho mỗi người hệ thống hóa trải nghiệm của mình tốt hơn.
Tụi mình đã đổi cấu trúc của Community ở những điểm chạm như sau:
- Acquisition + Activation: để tham gia Community, bạn cần trả một số tiền kèm với việc viết một Case Study. Điều này có nghĩa là điều kiện để vào Community rất khó, không chỉ test khả năng chịu chi, mà còn test về động lực tham gia cộng đồng nữa.
- Retention: Để ở lại Community, bạn chỉ cần viết Case Study hằng quý. Đây là ràng buộc để mọi người trong Community có thể liên tục tự tạo giá trị cho nhau.
Cơ chế trao đổi giá trị mới: chính sách viết Case Study
Nhân dịp mình có cơ hội làm speaker UXVN năm 2024, và rất nhiều bạn trong Community của tụi mình đi tham dự, tụi mình đã nói về ý tưởng ban hành chính sách Case Study này một cách khá informal trong khi ngồi cafe trưa với mọi người. Điều đáng mừng là mọi người đều ủng hộ chính sách này, và các bạn cũng bảo rằng cảm thấy hơi tội lỗi vì vẫn tham gia Office Hour dù không có đóng thêm tiền 🤣 (thật ra do tụi mình cũng không đề cập đến chứ không phải do các bạn quên).

Sau đây là nội dung của chính sách Case Study của tụi mình. Do cũng dài nên mọi người có thể đọc thêm nếu hứng thú nhé.
Chính sách Case Study của BPM Community
Ngữ cảnh
Mục tiêu của tụi mình là muốn tạo ra một cộng đồng cho những người làm sản phẩm để mọi người kết nối, học hỏi và phát triển cùng nhau. Đã hơn nửa năm từ lúc cộng đồng chúng ta thành lập. Tụi mình rất tự hào với những thành viên và chất lượng hiện tại mà chúng ta đang có., nhưng việc để cộng đồng liên tục tạo ra giá trị cho các thành viên vẫn luôn là một thử thách.
Làm thế nào để mọi người nhận vừa được giá trị, và đồng thời cũng tạo ra được giá trị cho cộng đồng? Sau một thời gian suy nghĩ thì tụi mình tin rằng chính sách case study này sẽ giúp chúng ta làm được điều đó.
Chính sách viết case study
Các thành viên của BPM community sẽ viết một case study và đăng tải lên cộng đồng với tần suất một quý một bài. 💪
Chính sách này có hiệu lực kể từ ngày 👉 01/01/2025
Một số lưu ý quan trọng:
- Trong mỗi quý tụi mình (Thành, Nam và Dương) cũng sẽ tham gia vào hoạt động viết case study này.
- Các case study sẽ được post vào trong community để mọi thành viên có thể đọc, bàn luận và học hỏi lẫn nhau.
- Do tụi mình khó mà ép buộc được mọi người, nên việc viết lúc nào trong một quý hoàn toàn tùy thuộc vào thời gian mọi người có thể sắp xếp được. Mọi người có thể viết trễ, nhưng không vượt quá 2 tuần sau khi khoảng thời gian một quý kết thúc.
- Ngoài ra, tụi mình cũng sẽ track lại những bạn đã hoàn thành, những bạn đang viết, và những bạn chưa bắt đầu. Tụi mình cũng sẽ bắt đầu gửi form để bạn opt-in vào việc viết case study.
- Trong trường hợp bạn không opt-in việc viết case study, hoặc không hoàn thành ít nhất một case study trong một quý, thì tụi mình sẽ xin phép ⚠️ cân nhắc revoke access vào Discord server của BPM. Hành động này hoàn toàn nhằm mục đích giữ vững tính công bằng và cơ chế trao đổi giá trị bền vững cho cộng đồng. Sau đó, bạn vẫn có thể viết case study để có thể được tái kết nạp vào cộng đồng chúng mình.
Mục tiêu/giá trị
“Tại sao mình lại phải viết case study?”
Từ khía cạnh chúng mình thì case study của mọi người sẽ làm cho chất lượng cộng đồng ngày càng tăng lên, giúp chúng ta thu hút thêm được những người làm sản phẩm cùng tầng số để đàm đạo, học hỏi và phát triển cùng nhau.
Về khía cạnh giá trị cho mọi người, tụi mình có quan sát thấy một vài lợi ích sau:
- 🚀 Case study hàng quý là một checkpoint vừa đủ để chúng ta cô đọng những điều học được. Trong việc làm sản phẩm, rất nhiều chuyện có thể xảy ra và cuốn chúng ta theo dòng sự kiện. Có một checkpoint như là viết case study hằng quý sẽ giúp chúng ta nhìn lại, cô đọng và trích xuất được những bài học từ chính kinh nghiệm của bản thân. Nhìn lại một năm viết được 4 case study cũng đã là minh chứng cho việc chúng ta phát triển như thế nào rồi.
- 😆 Case study giúp gia tăng khả năng apply job thành công. Việc viết giúp hệ thống hóa kiến thức, và hơn nữa là trình bày được khả năng tư duy hệ thống với nhà tuyển dụng. Mình đã có cơ hội phỏng vấn nhiều bạn apply vào vị trí Product, và nếu các bạn có blog thì mình đều đọc. Điều đó giúp mình hình dung rõ hơn về các bạn, và cung cấp những thông tin mà có thể trong thời lượng phỏng vấn sẽ khó để thể hiện ra. Ngoài ra, việc viết case study còn giúp cho chúng ta “tập dượt” việc trình bày chính kinh nghiệm của mình để câu chuyện được kể khi phỏng vấn có thể mạch lạc, trôi chảy và thuyết phục hơn.
Phạm vi
“Cái gì thì được tính là Case Study?”
Câu trả lời ngắn gọn là:
Bất cứ vấn đề gì mọi người bỏ nhiều thời gian, công sức và tâm tư vào để cố gắng giải quyết.
Một số ví dụ những thứ các bạn có thể biến thành case study:
- Quá trình phát triển một tính năng sản phẩm nào đó. Tại sao bạn lại quyết định làm tính năng này, có những trăn trở hay đánh đổi gì bạn phải cân nhắc, và kết quả như thế nào?
- Quá trình giải quyết một vấn đề khó khăn trong công việc hiện tại. Ví dụ như nếu bạn có công việc mới, thì bạn gặp vấn đề gì, và bạn đã làm gì để vượt qua nó?
- Quá trình làm side hustle hay một dự án cá nhân riêng. Bạn đã làm gì, tại sao, có khó khăn gì và bạn đã làm gì để vượt qua nó?
- Quá trình chuẩn bị cho một bài thuyết trình (chẳng hạn như cho sự kiện UXVN, hoặc một buổi họp quan trọng trong công ty, hoặc một sự kiện nội bộ nào đó mà bạn là người thuyết trình). Bạn đã chọn đề tại gì, tại sao, bạn đã triển khai các ý chính như thế nào, bạn đã phải lựa chọn đánh đổi như thế nào?
Đây chính là chính sách Case Study của tụi mình, ngoài ra tụi mình cũng có viết thêm 1 doc guideline nữa nhầm cung cấp cho mọi người một số cấu trúc cơ bản để có thể viết Case Study một cách trôi chảy và mạch lạc hơn. Song song đó, các hoạt động như Office Hour và Guest Lectures vẫn đều đặn tiếp diễn.
Chính sách Case Study đã có kết quả như thế nào?
Sau khi announce ra xong thì mọi người cũng không có phản kháng gì 👀 .Tuy nhiên rủi ro lớn nhất mà tụi mình vào lúc đó vẫn chưa validate được, đó là mọi người có đủ động lực để viết Case Study hay không. Dù cho mọi người ban đầu có nói là họ sẵn sàng, nhưng ai làm sản phẩm chắc hẳn cũng sẽ chỉ tin vào những thứ người dùng thật sự làm mà thôi.

Thú thật là tụi mình khá là run run khi thời gian trôi qua nhưng chưa có Case Study nào được post lên. Nhưng sau đó tụi mình đã tìm cách nhắc nhở nhẹ nhàng, và trộm vía tụi mình đã có những dấu hiệu đầu tiên của việc các bạn đang chuẩn bị viết Case Study.
Và trong một vài tuần đổ lại đây, thì mọi người đã ồ ạt đưa Case Study lên. Có một số thành viên cảm thấy thoải mái với việc chia sẻ trực tiếp hơn là viết xuống, và tụi mình cũng đã cáp được một vài kéo chia sẻ Case Study trong các buổi Office Hour sắp tới.

Phải nói là tụi mình rất vui khi những Case Study được ra lò, vì một phần nó là tín hiệu tích cực cho thấy cơ chế của tụi mình đang hoạt động ổn thỏa để đạt được End Game đã đề ra, và một phần kia đó là vì tụi mình tin rằng việc làm Case Study cũng có lợi cho các thành viên (như đã nói ở trên).
Thông qua các buổi cafe chém gió nói chuyện với các homies trong Community, mình biết rằng mọi người làm rất nhiều, nên vấn đề chắc chắn không phải ở chỗ thiếu cái để share, mà là những yếu tố khác như động lực và độ dễ dàng. Việc mọi người bắt đầu làm Case Study đã cho tụi mình một tia hy vọng vào giá trị mà Community tạo ra đang ở mức mà các thành viên sẵn sàng bỏ thời gian công sức làm Case Study để có thể tiếp tục kết nối chia sẻ với nhau.
Kết quả sau khi vận hành một quý: tụi mình có 5 Case Study dưới dạng chữ viết, 1 Case Study dưới dạng thuyết trình đã hoàn thành, và 2 Case Study dưới dạng thuyết trình sẽ được diễn ra trong thời gian tới. Không chắc tất cả mọi người có tham gia hay không, nhưng với 8 Case Study so far thì tụi mình cảm thấy khá là thỏa mãn.
Lời kết
Kết luận lại, hành trình xây dựng và vận hành BPM Community đã mang đến nhiều bài học quý giá. Ban đầu, việc xây dựng một cộng đồng xuất phát từ mong muốn tạo ra một không gian để những người có kinh nghiệm và đam mê trong lĩnh vực sản phẩm có thể kết nối, học hỏi và truyền cảm hứng cho nhau. Thay vì coi cộng đồng như một nguồn thu nhập, tụi mình nhận ra giá trị lớn nhất chính là sự kết nối chân thật, sự chia sẻ tự nhiên và cảm giác thuộc về một tập thể đầy cảm hứng.
Trải qua nhiều cân nhắc về việc monetize, tụi mình nhận thấy rằng, điều quan trọng hơn cả chính là tạo dựng một cơ chế trao đổi giá trị bền vững và công bằng giữa các thành viên. Chính sách viết Case Study chính là bước đi quan trọng nhằm cụ thể hóa mục tiêu này. Việc viết Case Study không chỉ đơn thuần là chia sẻ kiến thức, mà còn giúp mỗi người cô đọng lại những trải nghiệm thực tế, hệ thống hóa tư duy và chuẩn bị tốt hơn cho các bước tiến xa hơn trong sự nghiệp làm sản phẩm.
Sau một quý triển khai, những dấu hiệu tích cực ban đầu cho thấy rằng các thành viên đã và đang sẵn sàng đầu tư thời gian, công sức vào việc chia sẻ và học hỏi lẫn nhau. Điều này càng củng cố niềm tin rằng cộng đồng không chỉ đơn thuần là nơi trao đổi kiến thức, mà còn là nơi xây dựng và nuôi dưỡng những mối quan hệ bền vững, chân thành giữa những người thực sự yêu thích công việc làm sản phẩm.
Cuối cùng, tụi mình hiểu rằng thành công của một cộng đồng không chỉ được đo bằng số lượng thành viên hay doanh thu, mà chính là mức độ gắn bó, giá trị thật sự mà mỗi thành viên cảm nhận được khi tham gia. Với BPM Community, việc chia sẻ những câu chuyện thực tế, những trăn trở và bài học thực tiễn chính là cách tốt nhất để cộng đồng cùng nhau phát triển. Hy vọng rằng, mô hình và những trải nghiệm tụi mình đang xây dựng sẽ tiếp tục truyền cảm hứng và hỗ trợ tích cực cho các bạn làm sản phẩm trong hành trình sắp tới.
Interactive Quiz
Bạn có tự tin bạn đã hiểu hết bài viết không? Hãy thử bài quiz dưới đây nhé 👇.
Lưu ý: nếu bạn đang đọc qua mail thì có thể chuyển qua mobile browser hoặc web browser để thấy nội dung quiz.
BPM Community Bet Quiz
Test your knowledge about BPM Community from the article. Select the best answer for each question and see how well you understand the content!